Cách tân như một cách thu hút người trẻ với các thể loại nghệ thuật văn hóa truyền thống
- Ngọc Nguyễn
- Apr 15, 2020
- 6 min read
Hiện nay, để thu hút đông đảo giới trẻ, nhiều nhà làm phim, biên kịch đã cách tân và đổi mới hình ảnh văn hóa, thực hiện nhiều thể nghiệm trên nền tảng văn hóa truyền thống. Ví dụ, nói về sân khấu, chúng ta có vở kịch “Sanh vi tướng, tử vi thần” là một vở hát bội thể nghiệm mới. Vở kịch ngắn gọn, chỉ kéo dài khoảng 55 - 60 phút (ngắn hơn nhiều so với kịch truyền thống), chỉ được thể hiện bằng hình thể đặc trưng của hát bội, kết hợp với âm thanh, ánh sáng và hoàn toàn không dùng lời thoại. Những đặc điểm như trên đã cho thấy đây là một vở kịch mới lạ, được cách tân hoàn toàn nhưng vẫn giữ nguyên trang phục diễn, cách trang điểm truyền thống của một vở kịch hát bội.
Nhờ việc cắt giảm thời gian diễn, người xem có thể tận hưởng vở kịch một cách trọn vẹn, hứng thú nhất và phù hợp với đại chúng hơn so với một vở kịch truyền thống dài đến 3 - 4 tiếng. Hơn nữa, sự mới lạ trong cách thể hiện cũng gây sự tò mò, ham thú tìm hiểu của nhiều khán giả trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh yêu thích nghệ thuật. Dù không lời, những hành động diễn vẫn có thể khiến cho người xem hiểu được cốt truyện, hiểu được tâm trạng của nhân vật vả cảm được cái tâm, các tình của kịch. Mỗi người đều tự đoán được những lời của nhân vật thông qua hành động và cảm xúc thể hiện trên gương mặt người diễn viên, hơn nữa, là tự viết thêm tâm trạng, suy nghĩ nội tâm nhân vật, thông qua lòng trắc ẩn và sự thấu hiểu của mỗi người. Điều đó đã làm nên thành công của vở kịch thể nghiệm, không chỉ giúp khán giả cảm nhận thêm được ý nghĩa từ vở kịch, mà còn đem lại sự hứng thú tìm hiểu và niềm yêu thích của giới trẻ đối với nghệ thuật hát bội - vốn không được quan tâm và hay bị xem như nghệ thuật dành cho người lớn tuổi.
Cùng với lợi ích đó, một số bộ phim cũng đã áp dụng hình ảnh văn hóa trong bộ phim của mình, đặc biệt đối với các loại hình sân khấu Việt Nam. Ví dụ như bộ phim Song Lang đã giới thiệu cho khán giả những hình ảnh biểu diễn của nghệ thuật cải lương, trang phục, cách trang điểm của diễn viên cũng như cuộc sống khó khăn của những nghệ sĩ biểu diễn. Dù không phải là một bài giới thiệu về cải lương chuyên nghiệp, tường tận và nhiều thông tin, nhưng nhờ việc tạo hình nhân vật đẹp đẽ, hình ảnh chất lượng và hoành tráng, bộ phim đã gây cho khán giả ấn tượng về nghệ thuật cải lương một cách dễ dàng, không nhàm chán. Dù kỹ thuật hát cải lương chưa đủ hay và chuyên nghiệp như trên sân khấu cải lương thật, nhưng bộ phim vẫn thành công rực rỡ trong việc giới thiệu nghệ thuật cải lương, trong đó, hơn thế, còn thể hiện sự khắc khoải của những người đam mê nghệ thuật, yêu nghệ thuật trong đời sống trần trụi, khắc nghiệt.
Tương tự như trong bộ phim Long Thành cầm giả ca, bộ phim cũng khắc họa lại hình ảnh người ca kỹ với cây đàn Nguyệt quen thuộc của Việt Nam từ bài thơ Long Thành cầm giả ca của đại thi hào Nguyễn Du. Thông qua đó, khán giả nhận biết thêm về điệu đàn và hát của người ca kỹ, cũng như quá trình tập luyện đàn hát của họ. Đó là một hình ảnh, một mã văn hóa đậm chất Việt Nam, thông qua hình ảnh cây đàn Nguyệt và nét dịu dàng, đằm thắm đặc trưng của người phụ nữ miền Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, đối với bộ phim này, nghề ca kỹ lại không phải nét trọng tâm đặc biệt của bộ phim mà chỉ là phần nhỏ để nổi bật nội dung tác phẩm. Vì thế, người xem có thể không quá chú tâm về nghệ thuật ca kỹ mà chỉ quan tâm về mặt nội dung, hình ảnh khác. Nhưng điều hay ở bộ phim là ở chỗ hình ảnh người ca kỹ và tầm quan trọng của họ được thể hiện qua sự thay đổi của thời gian lịch sử, từ hình ảnh cô bé được đưa vào viện đến thời kỳ vàng son đẹp nhất của cô và cuối cùng là sự lụi tàn của người ca kỹ quá tuổi. Cái hay của phim còn thể hiện qua việc phim đã lồng ghép các mốc lịch sử Việt Nam qua các triều đại, từ đó phim còn thể hiện bối cảnh lối sống của người dân Việt Nam của từng thời đại đã qua. Tuy nhiên, vì thời lượng phim giới hạn, tác giả muốn lồng ghép quá nhiều các mốc lịch sử và văn hóa nên mạch phim khá nhanh, nếu người xem không hiểu biết về lịch sử Việt Nam thì khó nắm bắt được mạch truyện. Người nghệ sĩ tùy thời mà lúc thì được tung hô, được coi trọng, lúc thì bị coi là thú tiêu khiển của bọn thượng lưu. Vì thế, nhờ bộ phim, không chỉ được học thêm về văn hóa, người xem còn được biết thêm về bối cảnh lịch sử của các triều đại và một cách thể hiện mới của bài thơ Long Thành cầm giả ca.
Các cách thể hiện văn hóa của các bộ phim Việt như trên có thể so sánh với cách thể hiện của bộ phim Trung Quốc “Bá vương biệt cơ” của đạo diễn Trần Khải Ca- được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Lý Bích Hoa. So với các bộ phim Việt, cách thể hiện nét văn hóa của bộ phim này còn đậm nét hơn và đặc sắc hơn qua hình ảnh loại hình nghệ thuật kinh kịch Trung Quốc. Không chỉ đặc tả được từng cái đẹp của nghệ thuật kinh kịch trong từng nét trang điểm, trang phục, lời hát, bộ phim còn thể hiện được cái khắc nghiệt trong sự khổ luyện của người nghệ sĩ, cái bấp bênh, lên xuống thay đổi liên tục qua từng thời đại văn hóa, lịch sử Trung Quốc khiến vai trò của nghề hát, người nghệ sĩ hát cũng biến đổi theo. Điều này ngẫu nhiên giống cách thể hiện của bộ phim Long Thành cầm giả ca. Thế nhưng, kinh kịch không phải là yếu tố phụ, mà còn trở thành nét trọng tâm và thế mạnh của bộ phim và chính là cái sườn phát triển của nội dung. Hơn thế nữa, từng thời kỳ lịch sử, bộ phim lại thể hiện hình ảnh kinh kịch rõ nét hơn, đặc sắc hơn, chứ không phải lúc có lúc không. Ngoài ra, cùng chọn đề tài văn hóa qua nghệ thuật kịch như Song Lang của Việt Nam, nhưng với Bá Vương Biệt Cơ thì nét văn hóa được tô đậm hơn, khắc họa người nghệ sĩ nhiều hơn với tất cả quá trình phát triển của họ, từ bắt đầu vào nghề cho đến khi đã tàn lụi. Thông qua đó, người xem Bá Vương Biệt Cơ có cái nhìn vừa mới mẻ, vừa sâu sắc hơn cả về nghệ thuật kinh kịch và người nghệ sĩ, cả về lịch sử của nghệ thuật ấy và cũng là cái nhìn của từng thời đại khác nhau đối với nghệ thuật và người làm ra nghệ thuật.
Chính vì thế, phải công nhận rằng các nhà làm phim hiện nay đã bắt đầu chú trọng hơn về việc đưa hình ảnh văn hóa dân tộc lên màn ảnh để giúp lan truyền cái đẹp của nghệ thuật văn hóa Việt Nam đến công chúng. Nhưng song yếu tố văn hóa ấy vẫn còn chìm so với bề nổi của nội dung chuyện và chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của khán giả. Chính vì thế, song song với việc cách tân và đổi mới hình ảnh văn hóa, người làm phim cần có chú tâm nhiều hơn về cách thể hiện yếu tố văn hóa như là một nhân vật, yếu tố chính nhất của tác phẩm, hơn là đóng góp như một bối cảnh thông thường.
Bảo Ngọc
Comments