Tấm Cám: motif tái sinh trong thuyết luân hồi, hình tượng Bụt và tín ngưỡng thờ cây
- Ngọc Nguyễn
- Apr 15, 2020
- 4 min read
Tấm Cám là một truyện cổ dân gian mang nhiều dị bản. Để chắc chắn rằng số lượng và chất lượng tiếp nhận của học sinh là cao nhất có thể, chúng tôi sử dụng bản của Nguyễn Đổng Chi được đưa vào chương trình Ngữ văn 10 chính khóa.
Motif tái sinh trong thuyết luân hồi
Tuy cái kết của bản truyện cổ này không có những chi tiết như Tấm (sau khi dội nước sôi) lóc thịt Cám làm mắm rồi cho mẹ kế ăn, mẹ kế ăn đến hết hũ mắm một cách ngon lành mới nhìn ra cái đầu lâu con mình dưới đáy,... nhưng vẫn là một chi tiết gây tranh cãi nhiều:
“ [Tấm] - Có muốn đẹp không để chị giúp?
Cám bằng lòng ngay. Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết.”[25;72]
Để hiểu tường tận cái kết này, cần truy ngược về nguồn văn hóa dân gian: trước khi là một hình phạt bị xem là phi nhân tính cho kẻ ác, nước là biểu tượng của sự tái sinh, còn nước sôi là một tác nhân thiết yếu của nghi lễ trưởng thành.[26;...] Từ đó có thể nói, hành vi “dội nước sôi” vào em của Tấm không mang tính vô nhân đạo của con mắt xã hội học. Trải qua bao lần bị hãm hại, Tấm vẫn tái sinh như niềm tin, niềm lạc quan của ông cha ta vào sức mạnh của cái Thiện. Cái chết vì nước sôi của Cám cũng vượt ra ngoài sự trừng trị, đó là nguồn nước tái sinh và là thử thách của cái Thiện dành cho thiếu niên sắp trưởng thành: Cám xấu xa phải chết vì bản năng vị kỷ, phản mĩ cảm cộng đồng.
Hình tượng Bụt và sự giúp đỡ dân gian
Hình ảnh Bụt hiện ra giúp đỡ nhân vật hiền lành (đồng thời là nhân vật trung tâm) cùng thông điệp “ở hiền gặp lành” dường đã trở thành motif phổ biến của truyện cổ dân gian: Tấm khóc Bụt hiện ra, Bụt giúp đứa ở nhà phú hộ trong “Cây tre trăm đốt”, Bụt là người cho Cuội biết cây thuốc cải tử hoàn sinh. Về vấn đề Bụt và Phật có là một hay không, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Huỳnh Ngọc Chiến cho rằng đây chỉ là hai tên gọi khác nhau cho một đối tượng duy nhất.[4] Con người dù ở thời đại nào, dù là ai cũng cần một chỗ dựa tinh thần, tâm linh. Sự giúp đỡ của Bụt dành cho Tấm hay các nhân vật kém may mắn của truyện cổ dân gian, ở một khía cạnh không chỉ là hiện thân và mơ ước của ông cha ta về chân lý “ác giả ác báo”/ “gieo gió gặt bão” / “ở hiền gặp lành”, mà còn là một kiểu đáp án chung cho những nghi vấn về đạo đức, rằng trong mọi trường hợp, dù thân thiết đến cả “mẹ con”, “chị em”, cái Ác vẫn không có chỗ dung chứa trong xã hội.
Sự trở về của Tấm và tín ngưỡng thờ cây
Trong toàn bộ câu chuyện, tổng cộng có bốn lần Tấm bị giết: lần thứ nhất vì trèo lên xé cau nên chết rồi tái sinh thành con vàng anh, lần thứ hai tái sinh thành cây xoan đào, lần thứ ba tái sinh từ quả thị. Vậy là ba lần bị giết là ba lần được tái sinh, mỗi lần đều có liên quan đến một loại cây. Đây là motif tái sinh từ cây, xuất phát từ việc thờ cây trong tín ngưỡng dân gian không chỉ của Việt Nam mà trên khắp Đông Nam Á: người chết đi sống lại từ cây tre ở Campuchia, Malaysia; từ cây cam ở Thái Lan; từ quả tum ở Lào; từ quả thị ở Việt Nam; …
Dù đã được đầu thai kiếp khác nhưng hậu thân của người chết vẫn là chính họ.
Lý giải điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng trong cuộc sống ban sơ của người nguyên thủy, việc cây cối rậm rạp bao quanh và sự sống tuần hoàn của chúng đã gợi ý cho họ những ý niệm đầu tiên về sự tồn tại của con người và vũ trụ: cây cối sinh ra, lớn lên, chết đi rồi lại được sinh ra cũng như ước mơ về sự tồn tại, về cái Thiện bất tử của con người. Ở nhiều truyện cổ dân gian, như Tấm Cám: cây cối sinh ra con người, con người chết đi hóa thành cây cối và từ cây con người được sinh ra lần nữa - họ đồng nhất chính mình với cây cối, tin rằng cây cối cũng có linh hồn như con người và mọi hành vi tổn hại đến nó đều dẫn đến sự trừng trị (cây xoan đào xòa bóng mát cho vua, khung cửi nguyền rủa Cám, quả thị - một bộ phận của cây, rụng vào bị bà lão). Chính niềm tin ấy mang cho con người sự che chở và cuộc sống bình yên.
Hồng Châu
Comments