Hành trình khám phá nghệ thuật qua hai giấc mơ “Đàn quạ” và “Núi Phú Sĩ đỏ” trong bộ phim Dreams
- Ngọc Nguyễn
- Apr 11, 2020
- 3 min read
Hai giấc mơ tiếp theo khá đối lập nhau bởi với “Đàn quạ” thì mang bối cảnh với màu sắc rực rỡ, sáng sủa của nét vẽ tranh Van Gogh cùng một chút lãng mạn và triết lý của người nghệ sĩ so với “Núi Phú Sĩ đỏ” là chủ yếu là màu đỏ của khói lửa và nguy hiểm.
“Đàn quạ” - Crows: phim ngắn này là một trong những phim ngắn đã cho thấy rõ quan điểm, tư tưởng về nghệ thuật mà Kurosawa Akira muốn gửi gắm. Nếu bạn đã xem qua bộ phim Loving Vincent - Vincent thương mến thì bạn sẽ thấy rằng hai bộ phim có sự giống nhau là đều dùng những tranh vẽ, nét vẽ của Van Gogh để làm bối cảnh của phim, chỉ khác là đối với phim của hai đạo diễn Dorota Kobiela và Hugh Welchman thì đó là một bộ phim hoạt hình về tiểu sử của Van Gogh bằng tranh vẽ, còn với phim của Kurosawa Akira thì đó lại như một cuộc đối thoại nghệ thuật với Van Gogh. Trong bộ phim của ông, ông lý giải việc cắt tai của Van Gogh là do Van Gogh không thể vẽ được nó trong bức tranh tự họa của mình và cảm thấy nó là một thứ dư thừa, không cần thiết trong tranh nên ông đã quyết định cắt đi một bên tai của mình để cho bức tranh mình giống với bên ngoài. Điều đó cho thấy quan điểm rõ ràng của Kurosawa Akira đối với nghệ thuật làm phim là khi làm một bộ phim thì không cần tuân theo bất kì một nguyên tắc hoàn chỉnh nào cả bởi đối với ông, phim không phải cần sự hoàn hảo, đầy đủ mới làm nên được bộ phim mà phải tập trung về điều mình cần thể hiện trên phim ảnh và bãi bỏ những thứ thừa thãi, rườm rà không cần thiết trong nội dung phim. Ngoài ra, khi người họa sĩ đến gặp Van Gogh thì câu đối thoại đầu tiên mà Van Gogh hỏi rằng: “Sao anh không vẽ?”. Sau câu hỏi đó, Van Gogh muốn thể hiện một thông điệp rằng là làm nghệ thuật, trong đó là tranh vẽ thì không phải vẽ khi cảnh đã là tranh, mà là vẽ khi tìm thấy tranh trong cảnh, là tìm thấy nét đẹp bên trong sự vật chứ không phải bên ngoài. Qua giấc mơ chủ yếu hướng về nghệ thuật, Kurosawa Akira đã thể hiện tư tưởng nghệ thuật cho người xem cùng chia sẻ.
“Núi Phú Sĩ đỏ” - Mount Fuji in red: bộ phim là sự trải qua đau đớn của con người trước thảm họa môi trường như núi lửa phun và trong đó là phóng xạ. Bộ phim mang một âm thanh náo loạn và nổi bật là màu sắc đỏ mà tác giả đã dùng rất nhiều trong việc thể hiện bối cảnh phim để biểu tượng cho sự nguy hiểm, sự tấn công của khói lửa, sự tang thương khác với màu đỏ của phim ngắn đầu tiên và cuối cùng là sự ấm áp, hạnh phúc. Con người Nhật Bản luôn phải đối mặt với những thảm họa của tự nhiên khi đất nước họ nằm trong vòng đai Thái Bình Dương. Dù trong con mắt thế giới họ là những con người có ý chí vươn lên và kỉ cương để phát triển trên những bất lợi về tự nhiên. Nhưng có lẽ không ai thấy được hình ảnh họ trong những cơn thảm họa, số phận con người trở nên bé nhỏ và bất lực tìm cách sinh tồn. Sản phẩm tạo từ thiên nhiên giết chết con người và giờ sản phẩm con người tạo ra cũng giết chết họ bằng phóng xạ. Kết thúc phim là hình ảnh người cha dùng áo phủi đi làm khói đỏ bảo vệ gia đình với sự cố gắng trong bất lực.
Bảo Ngọc
Comments